Thủ tục lãnh sự
Để chống lạm thu, ngoài nắm vững phí và lệ phí lãnh sự theo Thông tư 264/2016/TT-BTC, bạn cần nắm rõ thêm các nghị định qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật về thủ tục lãnh sự mình muốn làm.
Nói như bạn Binhthin Le trên diễn đàn Tôi và Sứ quán, cách làm giấy tờ hữu hiệu nhất là PHẢI đọc kỹ thủ tục cần làm gồm những gì, thông tư nghị định có liên quan. Cứng rắn một cách lịch sự ngay từ khi nộp hồ sơ, tự tin từ lý lẽ đưa ra đầu tiên, như vậy mới tránh được rắc rối mất thời gian.
Dưới đây là danh sách toàn bộ thủ tục lãnh sự (click vào đây để xem trên điện thoại).
Các thủ tục này do Bộ Ngoại giao công bố, nhưng còn khá sơ sài (ví dụ như đa số không có thông tin Phí và Lệ phí). Tuy vậy phần quan trọng nhất là Căn cứ pháp lý thì khá đầy đủ. Đây là những văn bản Luật và dưới Luật, tạo ra nền tảng pháp lý cho mỗi thủ tục. Các văn vản này sẽ quy định thủ tục dành cho ai, khi nộp hồ sơ cần những giấy tờ gì và thời gian xử lý bao lâu. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật (do Quốc hội ban hành) có giá trị pháp lý hơn Nghị định (do Chính phủ ban hành) và Nghị định cao hơn Thông tư (do Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ ban hành). Văn bản có giá trị thấp hơn không thể có điều khoản đi ngược lại với văn bản có giá trị cao hơn.
Nghe nói đến việc phải đọc văn bản pháp luật chắc nhiều bạn sẽ thấy ngán, nhưng thông thường bạn chỉ mất tối đa 30' để đọc hiểu các thủ tục và luật liên quan. Để tiết kiệm thời gian cho mọi người, chúng tôi sẽ đăng tải tóm tắt của các thủ tục phổ biến như làm hộ chiếu, giấy miễn thị thực, thôi quốc tịch, v.v.